NGHỆ THUẬT LÀM GỐM CỦA HÀN QUỐC

Nghệ thuật làm gốm là một nét văn hóa nghệ thuật độc đáo của các nước phương Đông, đã có từ xa xưa. Mỗi tác phẩm gốm đều mang đậm các nét văn hóa riêng của mỗi quốc gia. Gốm sứ vốn được xem là tinh hoa văn hóa của Hàn Quốc và thể hiện được nét đẹp trong nghệ thuật, đời sống của con người Hàn Quốc. Mặc dù không được du khách biết đến nhiều nhưng gốm sứ Hàn Quốc vẫn là những món quà đầy ý nghĩa của người dân nước này.

 

Sơ nét về Gốm sứ Hàn Quốc

 

Gốm sứ Hàn Quốc đã xuất hiện từ rất lâu kể từ năm 668 TCN, trải dài qua 3 triều đại của Hàn Quốc và ngày càng được phát triển và duy trì cho đến hiện nay. Trải qua từng triều đại, trường phái đồ gốm ngày càng được hình thành và hoàn thiện hơn.

 

  • Ba giai đoạn của Gốm sứ ở Hàn Quốc:

 

+ Triều đại Silla(신라) (Năm 668 TCN – năm 935): đất nung. Dưới triều đại này, nguyên liệu làm gốm chủ yếu là đất sét. Người dân sẽ dùng đất sét để làm nên những vật dụng đơn giản như chiếc bát, đĩa, chai, lọ…phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của họ.

+ Triều đại Goryeo(고려) (Năm 918 – năm 1392): nghệ thuật làm sứ Xanh (청자)  – dòng gốm xanh ngọc bích. Cheongja (청자) là đồ sành sứ đã trải qua quá trình phát triển trên đôi tay của những nghệ nhân làm gốm Goryeo trong khoảng 400 đến 1.000 năm trước. Đồ gốm tráng men ngọc bích được chú ý bởi bề mặt xanh ngọc bích hấp dẫn và kỹ thuật khảm độc đáo của người Hàn Quốc được sử dụng để trang trí gốm. Ở thời kì Goryeo (고려), nghệ thuật làm gốm sứ có bước phát triển vượt bậc. Các sản phẩm gốm được làm với trình độ sản xuất cao hơn và có độ tinh xảo hơn.

 

+ Triều đại Joseon(조선) (Năm 1392 – năm 1897): là thời kỳ của sứ trắng, gốm phấn và chum vại. Nổi tiếng nhất thời kỳ này gồm có: gốm Puncheong (분청사기) với màu nâu nhạt đặc trưng và sứ trắng Paekja (청화백자). Các món đồ sứ trắng đại diện cho nghệ thuật gốm sứ triều đại Joseon (1392-1910) vì ở thời kỳ này có xu hướng thiên về màu trắng, màu của Khổng giáo. Trong khi một vài đồ sứ chỉ có bề mặt trắng sữa, thì có rất nhiều sản phẩm trang trí nhiều loại họa tiết được sơn bằng sắt đã oxi hóa, đồng, hoặc chất nhuộm xanh coban vô giá được nhập từ Ba Tư qua Trung Quốc. Với sự kế thừa và phát huy những kỹ thuật của thời Goryeo thì ở thời kì này gốm sứ phát triển lên một tầm cao mới.

 

 

Cho đến ngày nay, gốm sứ Hàn Quốc vẫn giữ được nét đặc trưng truyền thống và cổ truyền vốn có của nó mà không bị pha lẫn bởi các nền văn hóa khác. Ngoài ra, chum vại và gốm phấn cũng được áp dụng trong sản xuất và sử dụng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân Hàn Quốc.

 

Quy trình làm nên một tác phẩm gốm của nghệ nhân Hàn Quốc

 

Quy trình làm gốm phải trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi sự khéo léo và cẩn thận. Chất liệu đất, men, nhiệt độ nung… khác nhau sẽ cho ra các sản phẩm khác nhau. Vì thế mà công việc làm gốm đòi hỏi các nghệ nhân phải thật tập trung, tỉ mỉ và khéo léo mới có thể tạo ra một sản phẩm hoàn hảo.

Đầu tiên, nguyên liệu không thể thiếu khi làm gốm đó là đất sét. Đất sét dẻo sẽ được ngâm trong nước khoảng từ 3 đến 4 ngày để loại bỏ các tạp chất. Khi đất sét đã đủ độ mịn và dẻo, các nghệ nhân sẽ tiến hành công đoạn tạo hình. Nghệ nhân sẽ cho đất sét đã được ngâm lên bàn xoay và sử dụng đôi tay khéo léo để tạo ra những hình thù mong muốn.

Tiếp đó, sau khi đã tạo được hình dạng mong muốn thì các sản phẩm sẽ được đem phơi khô rồi làm nhẫn, khắc họa tiết và trang trí. Những phần nhô ra của sản phẩm như tay cầm của tách trà, vòi ấm cũng sẽ được cố định chắc chắn trong giai đoạn này.

Sau đó nghệ nhân sẽ tiến hành chạm khắc họa tiết. Những nét chạm khắc sẽ làm lộ ra lớp đất sét màu xám tạo nên sự hài hoà giữa trắng và xám.

Sau khi chạm khắc và trang trí họa tiết cho sản phẩm, nghệ nhân sẽ tiến hành làm nước men và tráng men sản phẩm. Cuối cùng là công đoạn nung sản phẩm. Trong quá trình nung, các thành phần trong nước men chảy ra tạo thành nhiều màu sắc khác nhau và đây là những màu duy nhất. Do vậy, sẽ không có hai chiếc lọ nào giống nhau hoàn toàn về màu sắc và mỗi thành phẩm sẽ có một vẻ đẹp riêng biệt.