BỨC TRANH VĂN HOÁ VIỆT NAM ĐA SẮC MÀU
Nền văn hóa Việt Nam kết tinh từ thành quả lao động, sáng tạo, gìn giữ qua hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của 54 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc mang bản sắc riêng, tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam. Trong đó mang những giá trị tốt đẹp về quá trình người Việt sinh sống, ứng xử với cộng đồng, với núi rừng, đồng bằng và biển cả.
Nền văn hóa Việt Nam thể hiện rõ tính thống nhất một nền văn hóa dân tộc, chống kỳ thị, cưỡng bức văn hóa của dân tộc này đối với dân tộc khác. Cho dù nhiều tộc người thiên di vào lãnh thổ Việt vào những thời kỳ lịch sử khác nhau, có tộc người đến sớm từ hàng nghìn năm, có tộc người đến từ vài trăm năm nay, nhưng đã sinh sống trên dải đất hình chữ S đều chung một ký ức về cội nguồn tổ tiên, gắn bó, đùm bọc lẫn nhau.
54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S Việt Nam
Các tài liệu sử học cho thấy, Việt Nam là một cộng đồng văn hoá rộng lớn hình thành khoảng nửa đầu thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên và phát triển rực rỡ vào giữa thiên niên kỷ này. Đó là cộng đồng văn hoá Đông Sơn, một nền văn hoá phát triển cao, mang những nét đặc trưng của văn hoá khu vực Đông Nam Á và nền văn minh lúa nước.
Giai đoạn văn hoá Văn Lang – Âu Lạc, thời đại đồ đồng sơ khai (gần năm 3000 đến cuối thiên niên kỷ 1 trước CN) với dấu ấn thời kỳ bình minh dựng nước, giữ nước của 18 đời vua Hùng, in đậm dấu ấn nguồn cội của lịch sử, văn hoá Việt Nam.
Xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam phân thành 6 giai đoạn gồm: Văn hóa tiền sử; Văn hóa Văn Lang – Âu Lạc; Văn hóa thời chống Bắc thuộc; Văn hóa Đại Việt; Văn hóa Đại Nam; Văn hóa hiện đại. Các giai đoạn này tạo thành ba lớp văn hoá chính gồm: Lớp văn hoá bản địa, lớp văn hoá giao lưu với Trung Hoa và lớp văn hoá giao lưu với phương Tây.
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử dựng nước, giữ nước, trong đó có thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc. Nhưng sức sống mạnh mẽ của nguồn cội văn hoá bản địa đã giúp nền văn hoá Việt Nam không bị mất đi, không bị đồng hoá trước những nền văn hoá ngoại lai, trái lại còn Việt hoá làm phong phú thêm cho nền văn hoá của dân tộc.
Văn hóa Việt Nam tổng hòa 3 yếu tố văn hóa núi, văn hóa đồng bằng và văn hóa biển
DI SẢN VĂN HOÁ VIỆT
54 dân tộc ở Việt Nam thuộc 8 nhóm ngôn ngữ: Việt – Mường, Môn – Khơ me, Tày – Thái, Mông – Dao, Mã Lai – Đa Đảo, Tạng – Miến, Hán và Ka Đai.
Nhóm Ngôn ngữ Việt – Mường gồm 4 dân tộc: Kinh, Mường, Thổ, Chứt – Đồng bào sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước và đánh cá. Trong đời sống tín ngưỡng có tục thờ cúng ông bà tổ tiên và các nghề thủ công truyền thống phát triển ở trình độ cao.
Nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ me gồm 21 dân tộc: Khơ Me, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Ho, Hrê, Mnông, Xtiêng, Bru-Vân Kiều, Cơ Tu, Giẻ Triêng, Mạ, Khơ Mú, Co, Tà Ôi, Chơ Ro, Kháng, Xinh Mun, Mảng, Brâu, Ơ Đu, Rơ Măm. Đời sống kinh tế chủ yếu là canh tác nương rẫy theo phương pháp chọc lỗ tra hạt. Kiến trúc nhà rông, nhà dài Tây Nguyên, chùa của dân tộc Khơ Me, nghề thủ công đan lát và lễ hội văn hoá cộng đồng là những nét văn hoá độc đáo của cư dân Môn – Khơ Me.
Nhóm ngôn ngữ Tày – Thái có 8 dân tộc: Tày, Thái, Nùng, Sán Chay, Giáy, Lào, Lự, Bố Y. Đồng bào sống chủ yếu trồng lúa trên các thung lũng, ven sông suối, có hệ thống dẫn nước bằng mương, phai, lái, lín, cọn nước, ở nhà sàn. Đời sống tinh thần phong phú với nhiều điệu xoè và bài hát then độc đáo, nghề thủ công rèn, dệt vải khá phát triển với các sản phẩm đẹp và tinh tế.
Nhóm ngôn ngữ H’mông – Dao có 3 dân tộc dân tộc H’mông, Dao, Pà Thẻn; Nhóm ngôn ngữ Tạng – Miến gồm 6 dân tộc: Hà Nhì, La Hủ, Phù Lá, Lô Lô, Cóng, Si La; Nhóm ngôn ngữ Kađai gồm 4 dân tộc Cờ Lao, La Chí, La Ha, Pu Péo, các dân tộc này giỏi canh tác nương rẫy và trên ruộng bậc thang. Chợ phiên là không gian văn hoá thể hiện rõ bản sắc văn hoá vùng cao như: Văn hoá ẩm thực, trang phục, nghệ thuật thêu thùa, in hoa trên vải , biểu diễn âm nhạc, múa khèn…
Nhóm ngôn ngữ Mã Lai – Đa Đảo gồm 5 dân tộc Chăm, Chu Ru, Gia Rai, Ê Đê, Ra Glai – sinh sống tập trung ở Tây Nguyên và dải đất ven biển miền Trung mang đậm nét mẫu hệ. Nhóm ngôn ngữ Hán có 3 dân tộc Hoa, Ngái, Sán Dìu – đồng bào cư trú ở ba miền Bắc, Trung, Nam, văn hoá Hán mang đậm nét phụ hệ.
Không gian văn hóa Việt Nam được tạo thành từ 7 vùng văn hóa gồm: Đồng bằng Bắc Bộ, Đông Bắc Bắc Bộ, Tây Bắc và miền núi Bắc Trung Bộ, Duyên hải Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung và Nam Trung Bộ, Trường Sơn – Tây Nguyên, Nam Bộ. Các vùng văn hóa này có quy mô, sắc thái khác nhau, cùng hòa quyện nhau tạo nên sự đa dạng và thống nhất trong nền văn hoá Việt Nam.
NHỮNG SẮC THÁI RỰC RỠ CỦA VĂN HOÁ VIỆT
Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, mỗi dân tộc mang một bản sắc riêng thể hiện qua văn hoá ẩm thực, nhà ở, phong tục, tập quán, lễ hội, tín ngưỡng tôn giáo, tổ chức xã hội, văn học nghệ thuật, trang phục… Đó là những dấu hiệu để nhận biết nhau, giúp hiểu biết về nhau. Trong số đó trang phục truyền thống là một biểu trưng văn hoá phản ánh sinh động phong tục, tập quán, vẻ đẹp và bản sắc riêng của mỗi dân tộc trên mỗi vùng miền đất nước. Trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam gắn liền cùng quá trình dài lao động, sáng tạo chứa đựng những giá trị nghệ thuật, lịch sử của từng tộc người.
Mỗi bộ trang phục của mỗi dân tộc thể hiện bản sắc riêng qua việc tạo dáng, trang trí họa tiết trên đó. Cách tạo dáng trang phục của phụ nữ ở mỗi dân tộc cũng khác nhau. Hoa văn trang trí trên trang phục phản ánh sinh động môi trường sống, lòng yêu thiên nhiên, quê hương, con người… là cơ sở để thẩm định giá trị về sự đảm đang, tài năng khéo léo của người phụ nữ dân tộc đó. Những hoa văn trên trang phục tác động đến thị hiếu, tình cảm, thói quen của phụ nữ, đem lại niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống và lao động.
Trang phục truyền thống trong lễ cưới của người Dao Đỏ
Hiện nay, các sản phẩm văn hoá vật chất và tinh thần gắn bó với cộng đồng các dân tộc, thể hiện bản sắc dân tộc, đang được bảo tồn và phát huy. Những nét văn hóa đặc trưng về tập quán sinh hoạt, trang phục truyền thống, hoạt động tín ngưỡng, lễ hội v.v… của mỗi dân tộc anh em đã làm nên bức tranh văn hóa Việt Nam đặc sắc. Những nét đẹp độc đáo ấy là niềm tự hào của mỗi dân tộc nói riêng, của Việt Nam nói chung, được bạn bè quốc tế trân trọng, quan tâm và yêu thích.
Hanita tổng hợp
(Nguồn: Thế Dương, Báo điện tử ĐCSVN)