Bản đồ các tỉnh thành ở Việt Nam (Nguồn: www.dulichvietnam.com.vn)
II. Dân số, dân tộc
Theo kết quả điều tra năm 2020 dân số Việt Nam ước tính 97,58 triệu người, trong đó dân số nam 48,59 triệu người, chiếm 49,8%; dân số nữ 48,99 triệu người, chiếm 50,2%. (Nguồn: Tổng Cục Thống kê)
Việt Nam có 54 dân tộc. Trong đó, dân tộc Việt (Kinh) chiếm đa số. Cùng chung sống lâu đời trên mảnh đất Việt Nam, các dân tộc có truyền thống đoàn kết giúp đỡ nhau trong quá trình chinh phục thiên nhiên, dựng nước và phát triển đất nước.
Quá trình giao lưu và tiếp biến văn hoá giữa các dân tộc diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, từng dân tộc vẫn giữ được những nét độc đáo và bản sắc văn hoá của dân tộc mình.
54 Dân tộc Việt Nam
(Nguồn: www.vnphoto.net)
III. Tiếng nói, chữ viết
Các dân tộc ở Việt Nam đều có tiếng nói và chữ viết riêng. Trong số các ngôn ngữ ở Việt Nam, tiếng Việt được sử dụng phổ biến nhất và trở thành ngôn ngữ chính thức ở Việt Nam.
Trong thời kỳ Bắc thuộc, Việt Nam sử dụng chữ Hán trong giao dịch, giáo dục, trong các văn bản hành chính. Bên cạnh chữ Hán, người Việt cũng đã sáng tạo ra chữ Nôm (dùng đặc tính tượng hình của chữ Hán để ký âm tiếng Việt). Sau đó, chữ Quốc ngữ xuất hiện đã thay thế dần chữ Hán và chữ Nôm.
Bảng chữ cái tiếng Việt (Nguồn: VSL1, Nguyễn Văn Huệ)
IV. Phong tục, tập quán
Các phong tục hôn nhân, tang ma, lễ tết, lễ hội của Việt Nam đều gắn với tính cộng đồng làng xã. Hôn nhân xưa không chỉ là nhu cầu đôi lứa mà còn phải đáp ứng quyền lợi của gia đình, gia tộc và làng xã. Vì vậy, việc kén người rất kỹ, phải chọn ngày lành tháng tốt và phải trải qua nhiều thủ tục nghi lễ phức tạp. Tang lễ cũng được tổ chức rất thành kính, thể hiện sự thương xót tiễn đưa người thân về cõi vĩnh hằng. Tang lễ không chỉ do gia đình lo liệu mà còn có cả hàng xóm láng giềng tận tình giúp đỡ.
Việt Nam là đất nước của lễ hội quanh năm, nhất là vào mùa xuân và những lúc nông nhàn. Các tết chính là tết Nguyên đán, tết Đoan ngọ, tết Trung thu. Mỗi vùng thường có những lễ hội riêng. Các lễ hội thường liên quan đến nông nghiệp như cầu mưa, xuống đồng, mừng cơm mới… Các lễ hội còn liên quan đến nghề nghiệp như đúc đồng, rèn, đua ghe.. Ngoài ra, còn có các lễ hội tưởng nhớ các anh hùng dân tộc và các lễ hội liên quan đến tôn giáo.
Tái hiện lễ hội Tịch điền của vua Hùng (Nguồn: https://dangcongsan.vn)
V. Tôn giáo, tín ngưỡng
Trong đời sống tâm linh của người Việt đã từng tồn tại nhiều hình thức tín ngưỡng khác nhau. Người Việt có tục thờ cúng tổ tiên, thờ thần Thành hoàng, thờ các thần linh, thờ các anh hùng dân tộc, đặc biệt thờ Mẫu (Mẹ). Thờ Mẫu bắt nguồn từ tục thờ thần thời cổ đại, thờ các nữ thần như Thần núi, Thần rừng, Thần đất, Thần nước.
Bàn thờ tổ tiên truyền thống ở Nam bộ (Nguồn: https://baocantho.com.vn)
Đạo Phật được du nhập vào Việt Nam vào thế kỷ thứ 2. Đến đời Lý (thế kỷ thứ 11) Phật giáo ở vào giai đoạn cực thịnh và được coi là hệ tư tưởng chính thống. Phật giáo được truyền bá rộng rãi trong nhân dân và có ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống xã hội, để lại nhiều dấu ấn trong lĩnh vực văn hoá, kiến trúc.
Đạo Thiên Chúa được du nhập vào Việt Nam vào thế kỷ thứ 17. Nơi tập trung nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo ở Việt Nam hiện nay là vùng Bùi Chu – Phát Diệm (tỉnh Ninh Bình) và vùng Hố Nai – Biên Hoà (tỉnh Ðồng Nai).
Đạo Tin Lành được du nhập vào Việt Nam vào năm 1911. Hiện nay, các tín đồ theo đạo Tin Lành tập trung chủ yếu ở vùng Tây Nguyên.
Ðạo Hồi du nhập vào Việt Nam vào thế kỷ thứ 10. Tín đồ đạo Hồi chủ yếu là người Chăm ở miền Trung và một số tỉnh ở miền Nam như Tây Ninh, An Giang.
Ngoài ra, Việt Nam còn có các tôn giáo được hình thành và phát triển tại Việt Nam như đạo Cao Đài, đạo Hòa Hảo…
Lễ hội đạo Cao Đài ở Tây Ninh (Nguồn: http://dulichvietnam.org.vn)
Hanita (tổng hợp)